DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Nhớ nhạc sĩ Xuân Giao

Nhạc sĩ Xuân Giao qua đời vào tối 21-8, thọ 83 tuổi. Mấy năm nay, ông bị tai biến đến 3 lần, rồi phải mổ túi mật khiến sức khỏe giảm sút nhiều, cuộc sống của ông chủ yếu gắn với chiếc giường và nhờ vào sự tần tảo, chịu thương chịu khó của người vợ cùng các con.

Khi nghe tin trái tim ông ngừng đập, tôi không khỏi rưng rưng và nhớ mãi cái bắt tay thật chặt của ông trong một lần gặp gỡ; nhớ mãi tác giả của Cô gái mở đường, Chào sông Mã anh hùng, Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh, Em mơ gặp Bác Hồ…

1.

Tôi vẫn nhớ lời hẹn của ông khi chia tay: “Lúc nào rảnh cứ tới chơi, hỏi thêm gì cũng được”. Biết ông bệnh, tôi cứ mong ông khỏe hơn để có thể gặp lại và trò chuyện với ông. Nhưng giờ thì đã không thể nữa rồi.

Nhạc sĩ Xuân Giao tên đầy đủ là Trương Xuân Giao, quê gốc Văn Lâm, Hưng Yên nhưng ông lớn lên ở đất Kiến An, Hải Phòng. Xuân Giao đến với âm nhạc tình cờ. Ông từng ước mơ trở thành nhà thơ, nhà văn, hay nhà báo nhưng khi tham gia hướng đạo sinh thì gặp nhạc sĩ Hoàng Quý. Chính Hoàng Quý là người thầy dạy học đầu tiên của nhạc sĩ Xuân Giao và có ảnh hưởng ít nhiều đến sự lựa chọn của Xuân Giao với con đường âm nhạc.

Nhắc đến Xuân Giao, nhiều người nhớ ngay ca khúc Em mơ gặp Bác Hồ. Bài hát này được ông viết năm 1969 - ngay sau khi Bác Hồ mất ít ngày. Hồi đó, ông còn ở ngôi nhà cũ của gia đình tại 417 phố Bạch Mai (Hà Nội). Sự hụt hẫng của người Việt Nam khi hay tin Bác qua đời làm Xuân Giao xúc động mạnh. Nén nỗi đau mất mát, kìm những giọt nước mắt, nhạc sĩ Xuân Giao nhìn ảnh Bác, nhớ về Bác. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để những giai điệu hồn nhiên, trong sáng bật ra. Theo Xuân Giao, nó còn được cộng hưởng bởi một câu chuyện “đẹp như trong mơ” cách đó 23 năm.

Ấy là năm 1946, lúc Xuân Giao mới 15 tuổi, đang ở Hải Phòng và tham gia hướng đạo sinh cùng nhạc sĩ Hoàng Quý. Trong một chuyến công tác qua Hải Phòng, Bác Hồ dừng lại và tiếp xúc với bà con cùng các em thiếu nhi. Là hướng đạo sinh, Xuân Giao có mặt trong đoàn thiếu nhi để lần đầu tiên được gặp Bác Hồ. Cộng hưởng từ ký ức thẳm sâu kết hợp với những cảm xúc mãnh liệt, hình tượng Bác Hồ lung linh bên các cháu thiếu niên nhi đồng được thể hiện giản dị, tha thiết trong bài hát: Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ/ Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ/ Em âu yếm hôn đôi má Bác/ Vui bên Bác là em múa hát…

2.

18 tuổi, Xuân Giao bắt đầu cuộc đời quân ngũ. Xuân Giao bảo, sự bắt đầu của nhiều nhạc sĩ “thời của ông” giống nhau: tự học là chính vì hồi đó làm gì có trường lớp, sách vở cũng rất ít. Người biết ít hỏi người biết nhiều, cứ thế mà trao đổi, học hỏi lẫn nhau. “Xuất phát điểm âm nhạc của tôi ở trường Lục quân”, nhạc sĩ Xuân Giao nhớ lại. Những bài hát đầu tay của ông là những bài về tân binh.

Mãi đến năm 1965, Mỹ bắt đầu bắn phá miền Bắc, Xuân Giao được tham gia đội xung kích của Đoàn ca múa Trung ương. Lúc ấy, Mỹ đánh Quảng Bình dữ dội. Xuân Giao viết ca khúc Giữ biển trời Quảng Bình - Vĩnh Linh. Ca khúc được viết trong vòng một tuần trên đường hành quân.

Nhưng Xuân Giao lại có duyên với đất Thanh Hóa. Năm 1967, ông viết Chào sông Mã anh hùng. Bài này được ông viết rất nhanh, với giai điệu thật hào sảng: “Ta chào sông Mã kiên cường đời đời/ Chào cô dân quân giữ quê nhà/ Cho thuyền lướt trên trời thu trong xanh ơi/ Đất quê anh hùng vùi chôn nơi đây bao xác giặc Mỹ”. Cảm xúc từ vùng đất Thanh Hóa còn giúp Xuân Giao viết một ca khúc đến nay vẫn nhiều người thuộc và hát vang. Đó là Cô gái mở đường: “Đi dưới trời khuya sao đêm lấp lánh/ Tiếng hát ai vang vọng cây rừng/ Phải chăng em cô gái mở đường/ Không thấy mặt người chỉ nghe tiếng hát…”.

Lần đó, Xuân Giao đi cùng một đoàn nhạc sĩ gồm: Chu Minh, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Trọng Bằng… “Chúng tôi đi bằng những con đường đặc biệt, chứ không đi quốc lộ, thỉnh thoảng mới đi qua quốc lộ. Đêm đi toàn Khu 4, không thấy lửa, chúng tôi dùng những chiếc đèn pin rất nhỏ. Xe chở cũng chỉ có một bóng đèn pin ở gầm. Tiếp chúng tôi cùng với nhiều đoàn khác, trong đó có một đoàn toàn nữ, gọi là đoàn C9. Chúng tôi ở đây hai ngày. Tôi nảy ra ý viết về những cô gái mở đường”, nhạc sĩ kể.

“Chúng tôi ở C9, toàn cô gái trẻ, tuổi đời chỉ khoảng 16-18 tuổi. Chỉ có chị phụ trách chừng 30 tuổi. Con gái Hà Nội có, Bắc Giang, Bắc Ninh có… Từ đó, suốt đêm trên đường trở về, tôi sống trong cảm xúc này. Đến một địa danh gọi là Chuối (Thanh Hóa giáp Nghệ An), tôi chui vào hầm và viết”. Theo nhạc sĩ Xuân Giao, chính trong chuyến đi này, nhạc sĩ Hoàng Vân viết “Bài ca giao thông vận tải” mà sau này cũng trở nên nổi tiếng…

3.

Năm 1970, khi tròn 38 tuổi, Xuân Giao cưới vợ. Ông từng kể với tôi: “Hồi trẻ, mình cũng để ý nhiều người. Nhưng đúng là chuyện vợ chồng không phải cứ muốn là được”. Nói rồi ông lại kể: “Vợ tôi bấy giờ làm cùng cơ quan tôi. Chúng tôi làm việc cùng nhau suốt 10 năm, lúc đầu chẳng nghĩ là sẽ lấy nhau đâu. Thế rồi lại nên duyên vợ chồng”.

Vợ nhạc sĩ Xuân Giao sinh năm 1937, năm nay bà cũng đã 78 tuổi. Mấy năm trước, sức còn khỏe, bà chăm chút ông từng li từng tí. Nói về người vợ hiền của mình, nhạc sĩ Xuân Giao từng bảo: “Vợ tôi không phải là người hoạt động nghệ thuật nhưng là người phụ nữ đảm đang, hiền lành. Những công việc của tôi nếu không có bà ấy sẽ không được sự nghiệp âm nhạc như thế”.