DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

  • Hà Tiên
  • Thoại Sơn đi lên từ đồng tâm, hiệp lực

Thoại Sơn đi lên từ đồng tâm, hiệp lực

(AGO) - Từ một địa phương phải nhờ vào sự cứu trợ của tỉnh những năm đầu sau giải phóng (30-4-1975), Thoại Sơn từng bước vươn lên, trở thành huyện đứng đầu về xây dựng cầu, đường nông thôn và là địa phương có diện tích lúa 2 vụ và sản lượng lương thực đứng đầu cả nước.

Kỳ I: Từ địa phương dựa vào cứu trợ

Sau ngày thống nhất đất nước (30-4-1975), huyện Huệ Đức gần như tiêu điều, cơ sở hạ tầng là con số không, đời sống người dân vô cùng khốn khó, đất nông nghiệp toàn huyện chỉ sản xuất 1 vụ mùa nước nổi, muốn đến trung tâm xã phải đi bằng xuồng, phần lớn địa bàn ở nông thôn không có điện,... Thời điểm này, số người thiếu ăn rất nhiều, không ít gia đình phải ăn độn các loại rau, củ. Trước tình cảnh trên, UBND tỉnh đã cứu trợ 20.434 kg gạo cho 1.534 gia đình, chi 152.000 đồng (tiền Sài Gòn) để lo cái ăn cho hàng trăm hộ… Chú Nguyễn Ngọc Ẩn tâm sự: “Vào thời điểm đó, nhà nhà vui mừng, ai ai cũng hớn hở vì hòa bình, độc lập, không còn cảnh chiến tranh, nhưng cơ sở hạ tầng, nhất là cảnh nghèo đói của bà con thấy nhói lòng. Bấy giờ, làm gì có thống kê về số người thiếu ăn, chỉ biết phần đông, nhất là vùng nông thôn nhiều người phải ăn độn cầm hơi…”. Lúc này, gần 200 hộ Việt kiều từ Campuchia và 165 gia đình từ Sài Gòn cùng các nơi về định cư, ngoài chỗ ở, Nhà nước phải lo nhiều việc, trong đó ổn định cái ăn trước mắt cho các hộ này. Tình cảnh khó khăn trên kéo dài đến vài năm mới tạm lắng dịu.

15t6ps.jpg

Thoại Sơn nhận Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh.

Đến ngày 11-3-1977, Chính phủ ban hành Quyết định số 56/QĐ-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng sáp nhập huyện Huệ Đức vào huyện Châu Thành và đến ngày 23-8-1979 lại tách ra, lập thành huyện Thoại Sơn theo Quyết định số 300/CP của Hội đồng Chính phủ. Nguyên Bí thư Huyện ủy Thoại Sơn Trần Bá Ngô nhớ lại: “Lúc bấy giờ, toàn Đảng bộ có chưa tới 100 đảng viên, ngân sách huyện không đủ tiền chi cho hoạt động, xuống địa bàn công tác phần nhiều là đi bộ, xuồng, ghe hoặc xe đạp; việc ăn ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh vô cùng khó khăn. Giai đoạn đó, chỉ lo cái ăn, mặc và ổn định tình hình đã vất vả lắm rồi, làm gì nghĩ đến chuyện hưởng thụ văn hóa… Cán bộ gần như chỉ làm theo kinh nghiệm, rất ít được đào tạo, bồi dưỡng, song lại rất nhiệt tình, say mê công việc và gặt hái nhiều kết quả từ các phong trào đào kênh, đắp đường đến nay vẫn còn tác dụng…”Sau thời gian đầu tách huyện Thoại Sơn, địa phương phải đối mặt với trăm công ngàn việc, trong đó sản xuất nông nghiệp lo cái ăn và giao thông được đặt lên hàng đầu. Giai đoạn 1979-1986, huyện đột phá thực hiện cơ chế khoán trong sản xuất nông nghiệp, phân phối, lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực nên đời sống người dân từng bước được nâng lên, ngân sách huyện tăng lên, ổn định về lương thực. Đồng thời, huyện còn thực hiện tốt các chính sách xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đặc biệt, trong 3 năm 1986-1990, UBND huyện Thoại Sơn huy động trên 110 xáng cạp, máy Kobell đào mới 48 tuyến kênh cấp II (dài 331km, khối lượng trên 9 triệu m3 đất), thực hiện 302 tuyến kênh cấp III (dài 609km, gần 6,2 triệu m3), với tổng kinh phí 427 tỷ đồng (Nhân dân đóng góp 248 tỷ đồng) tháo mặn, rửa phèn cho đồng ruộng, bảo đảm nguồn tưới, tiêu cho diện tích 45.869 héc-ta toàn vùng, xóa 1 vụ, tiến lên 2 vụ rồi 3 vụ, trở thành địa phương có diện tích lúa 2 vụ và sản lượng lương thực đứng đầu cả nước.