DU LỊCH HÀ TIÊN
Thông tin doanh nghiệp
NEWS  |  TAGS

399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM

Thương mùa điên điển

(AGO) - Nước lũ tràn đồng, bông điên điển cũng vào mùa nở rộ. Món ăn dân dã, bình dị này từ lâu đã trở thành đặc sản nổi tiếng của mùa nước nổi miền Tây.

Tháng 7 âm lịch, khi con nước tràn đến những cánh đồng là những chồi bông điên điển bắt đầu xuất hiện. Cây điên điển phân bố dọc theo bờ sông, bờ kênh hay những triền đê, trổ bông vàng rực tạo nên vẻ đẹp không trộn lẫn giữa mùa nước nổi. Dọc theo tuyến kênh 13 nối liền  xã Đào Hữu cảnh và Ô Long Vĩ của huyện Châu Phú, ngút tầm mắt là đồng nước mênh mông và những rặng điên điển đang vào mùa trổ bông. Với người dân quê, điên điển gắn bó với họ tự thuở nào không biết. Chị Trình Thị Hằng, người dân xã Đào Hữu Cảnh, cho biết: “Xứ này điên điển nhiều lắm. Mùa nước ngập, bông nở vàng đồng. Từ lúc còn nhỏ, tôi đã theo mẹ bơi xuồng đi hái bông điên điển về nấu ăn”.

18t4-copy.jpg

Bông điên điển mang nỗi nhớ về mùa nước nổi miền Tây.

Chị Hằng cho biết thêm, cây điển điển đã không còn nhiều như ngày trước. Bông điên điển trở thành món ngon nổi tiếng được nhiều người ưa chuộng nên giá bán ở chợ cũng tương đối cao. Vì thế, trong xóm của chị Hằng nhiều người đi hái bông điên điển kiếm thêm thu nhập trong mùa lũ. Hiện tại, giá bông điên điển bán ở chợ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tờ mờ sáng, chị Hằng đã xuống xuồng, rọi đèn đi hái bông điên điển. “Bông điên điển hái buổi sớm ngon lắm. Mang về cân cho bạn hàng bán buổi chợ sáng. Dù chỉ kiếm được vài ba ký mỗi ngày nhưng cũng đủ tiền cá mắm trong gia đình và lo cho sấp nhỏ đi học”- chị Hằng bộc bạch.

Ở vùng quê, người dân cất nhà dọc theo bờ kênh, vì thế cây điên điển cũng sống gần gũi với con người. Mùa nước, khi điên điển vàng bông, các bà nội trợ tiện tay hái một mớ là có ngay món ngon cho bữa cơm gia đình. Đến thăm gia đình anh Trần Văn Tàu tại xã Khánh An (An Phú), được anh đãi một bữa bông điên điển khoái khẩu. “Bông điên điển thì khỏi nói. Xào ăn cũng ngọt, mà nấu canh chua cũng hết ý. Xứ này, người dân còn hái điên điển hoang dã để ăn, chứ một số vùng khác người ta trồng rồi bán bông. Giống điên điển Thái trổ bông quanh năm nên bây giờ mùa khô mà cũng thấy bông điên điển bán ngoài chợ, nhưng giá khá cao”- anh Tàu tỏ ra am hiểu. Tuy nhiên, người sành ăn chỉ thích bông điên điển hoang dã vào mùa nước nổi bởi cái vị ngọt thấm đẫm tình quê. “Bông điển điển Thái không ngọt và thơm như điên điển của mình. Mới đổ lú được mớ cá “gô”, lát nữa hái bông điên điển về là có nồi canh chua như ý. Chút chú ăn cơm với tôi cho vui, cây nhà lá vườn, có chi dùng nấy” - anh Tàu thân mật.

Người quê trọng nhau ở tấm lòng, họ rất hào sảng mà cũng rất thiệt tình. Ngoài những món anh Tàu vừa kể, bông điên điển còn có thể chế biến khá nhiều món, có khi còn dùng làm rau ghém để chấm các món kho. Và có lẽ ngon nhất là đổ bánh xèo nhân tép với bông điên điển. Cái vị giòn, thơm, nhân nhẫn của bông điên điển mang đến một hương vị rất riêng, khó quên đối với những người con xa xứ.

Tháng mùa khô, cây điên điển co mình trong cái nắng gay gắt. Nước tràn đồng, điên điển bừng dậy với sức sống mãnh liệt, kết tinh hương vị đặc trưng trong từng nhánh bông để rồi sống mãi trong lòng của những ai từng nếm qua loại đặc sản đồng quê này. Dân miền Tây rất khéo léo kết hợp những đặc sản của mùa lũ trong từng món ăn. Cá linh non, bông điên điển, bông súng thường được kết hợp cùng nhau khá hài hòa, cho thấy sự hào phóng của mùa nước nổi. “Chỉ những tháng nước lên, bữa cơm mới có cá linh non, bông điên điển, qua mùa rồi thì không thể tìm được. Bởi vậy, dân quê chúng tôi ăn hoài mà không bao giờ thấy ngán những món này” - anh Tàu bộc bạch.

Mùa nước nổi, mùa bông điên điển lại về. Mọi người lại được thưởng thức thứ đặc sản của quê hương. Dù chỉ là loại hoa đồng nội nhưng điên điển đã trở thành nỗi nhớ: Nhớ mùa điên điển, nhớ mùa nước nổi miền Tây.